Kiểu dáng công nghiệp hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này (Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Để kiểu dáng công nghiệp được xác lập quyền sở hữu công nghiệp thì phải được đăng ký bảo hộ và được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
I. Phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (Phân loại Locarno)
a/ Khái quát chung
Là một hệ thống phân loại quốc tế được sử dụng để phân loại các sản phẩm phục vụ cho mục đích đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Phân loại quốc tế Locarno bắt đầu có hiệu lực vào năm 1968 theo Thỏa ước Locarno và được một Hội đồng chuyên gia của Ủy ban Locarno tiến hành sửa đổi thường kỳ.
Cũng như nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ cần phải tra cứu phân loại nhóm trong Bảng phân loại theo thỏa ước Ni xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ thì trước khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cần thực hiện tra cứu phân loại nhóm trong Bảng phân loại kiểu dáng công nghiệp (Phân loại Locarno).
Việc tra cứu này là cần thiết và đóng vai trò rất quan trọng để đánh giá khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp.
b/ Danh mục các nhóm kiểu dáng công nghiệp
Bảng phân loại kiểu dáng công nghiệp bao gồm 32 nhóm: theo đó từ nhóm 01-31 là các nhóm được đặt theo tiêu chí cho các sản phẩm tương tự nhau. Riêng nhóm thứ 32 được đặt tên là nhóm 99: để chỉ các kiểu dáng công nghiệp cho tất cả các sản phẩm khác chưa được phân vào 31 nhóm cụ thể được liệt kê.
c/ Danh mục chi tiết các nhóm của bảng phân loại kiểu dáng công nghiệp
Nhóm 1: Thực phẩm.
Nhóm 2: Quần áo và đồ may khâu.
Nhóm 3: Đồ dùng mang theo khi đi du lịch và đồ dùng cá nhân.
Nhóm 4: Các loại chổi lông và bàn chải.
Nhóm 5: Các sản phẩm dệt, vải tự nhiên và vải nhân tạo.
Nhóm 6: Đồ đạc trong nhà.
Nhóm 7: Dụng cụ gia đình, chưa được xếp ở nhóm khác.
Nhóm 8: Các loại dụng cụ và đồ ngũ kim.
Nhóm 9: Bao gói, hộp đựng, đồ chứa dùng để vận chuyển và bảo quản hàng hoá.
Nhóm 10: Đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, các thiết bị đo, các thiết bị kiểm tra và các thiết bị báo hiệu khác.
Nhóm 11: Đồ trang trí.
Nhóm 12: Các phương tiện vận chuyển và nâng hạ.
Nhóm 13: Các thiết bị sản xuất, phân phối và biến đổi điện.
Nhóm 14: Các thiết bị ghi, truyền thông và truy tìm thông tin.
Nhóm 15: Các loại máy không được xếp ở các nhóm khác.
Nhóm 16: Máy chiếu phim, chụp ảnh và thiết bị quang học.
Nhóm 17: Nhạc cụ.
Nhóm 18: Máy in và máy văn phòng.
Nhóm 19: Đồ dùng và thiết bị cho văn phòng, dạy học và mỹ thuật.
Nhóm 20: Dụng cụ bán hàng và quảng cáo, dấu hiệu chỉ dẫn.
Nhóm 21: Trò chơi, đồ chơi, lều trại và dụng cụ thể thao.
Nhóm 22: Vũ khí, pháo hoa, dụng cụ săn bắt, đánh cá và tiêu diệt các loại côn trùng có hại.
Nhóm 23: Các thiết bị phân phối chất lỏng và chất khí, các thiết bị vệ sinh, sưởi, thông gió và điều hoà không khí, nhiên liệu rắn.
Nhóm 24: Dụng cụ y tế và phòng thí nghiệm.
Nhóm 25: Vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng.
Nhóm 26: Thiết bị và dụng cụ chiếu sáng.
Nhóm 27: Thuốc lá và các dụng cụ cho người hút thuốc.
Nhóm 28: Dược phẩm, đồ mỹ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân.
Nhóm 29: Trang thiết bị chống hoả hoạn, phòng và cứu nạn.
Nhóm 30: Trang thiết bị để chăm sóc và chăn dắt động vật.
Nhóm 31: Máy và các dụng cụ để chuẩn bị thức ăn và đồ uống chưa được xếp ở các nhóm khác.
Nhóm 99: Các loại khác.
Bảng Phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp phiên bản lần thứ 13 *Tải về
II. Tra cứu thông tin kiểu dáng công nghiệp
1. Mục đích tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp
– Tránh xâm phạm quyền SHCN đối với các đối tượng SHCN đã được bảo hộ của chủ thể khác;
– Đánh giá khả năng bảo hộ của các đối tượng SHCN (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ);
– Phản đối việc cấp văn bằng cho các đối tượng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, kể cả sau khi đã được cấp bằng;
– Tránh được các chi phí không cần thiết cho việc nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật đã biết;
– Xác định và đánh giá công nghệ để mua, bán li-xăng và chuyển giao công nghê;
– Xác định các công nghệ thay thế;
– Nắm bắt các giải pháp có sẵn cho các vấn đề kỹ thuật;
– Tìm kiếm ý tưởng cho việc tiếp tục đổi mới công nghệ;
– Tìm kiếm các đối tác kinh doanh;
– Theo dõi hoạt động của các đối thủ cạnh tranh hiện thời và tiềm năng trong tương lai;
– Tìm kiếm thị trường thích hợp;
– Lựa chọn các đối tượng SHCN đang có hiệu lực để ký kết hợp đồng mua bán quyền sử dụng, chuyển giao công nghệ, bí quyết sản xuất.
2. Công cụ tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp
– Các cơ sở dữ liệu tra cứu trên internet;
– Các Bảng phân loại (IPC, Locarno, Ni-xơ, Viên)
– Bảng tra theo từ khóa;
– Các đĩa quang dùng để tra cứu;
– Công báo SHCN;
– Sổ Đăng bạ quốc gia.
3. Một số trang web tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp hữu ích
https://iplib.ipvietnam.gov.vn
https://wipopublish.ipvietnam.gov.vn
Đây là các trang web thuộc thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam; tại trang web này người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin về các đơn yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đã công bố/được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.
www.wipo.int/designdb/en/index.jsp
Đây là trang web tra cứu thông tin kiểu dáng công nghiệp của WIPO, tại trang web này, người dùng tin có thể tra cứu thông tin của hơn 2 triệu đơn/bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, trong đó có khoảng trên 80.000 đơn/bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nộp theo Thỏa ước Lahay.
www.tmdn.org/tmdsview-web/welcome
Đây là trang web tra cứu thông tin kiểu dáng công nghiệp do EUIPO cung cấp, tại công cụ tra cứu này, người dùng tin có thể tra cứu khoảng 10 triệu tư liệu về kiểu dáng công nghiệp, được EUIPO thu thập từ hơn 60 quốc gia/tổ chức trên thế giới, trong đó có các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu và các đơn nộp qua WIPO theo Thỏa ước Lahay.
III. Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (gọi tắt là Thỏa ước La Hay) là một Điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (viết tắt là WIPO) quản lý, tạo lập một cơ chế đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đơn giản và tiết kiệm nhằm giải quyết những khó khăn của việc nộp đơn cho cùng một kiểu dáng công nghiệp tại nhiều quốc gia.
Với Thỏa ước La Hay, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp không phải nộp các đơn tới từng quốc gia riêng biệt mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất đến một cơ quan duy nhất (Văn phòng quốc tế của WIPO) trong đó chỉ định đến các quốc gia mong muốn được bảo hộ (với điều kiện các quốc gia này là thành viên của Thỏa ước La Hay).
Trên cơ sở đánh giá sự ưu việt của các Văn kiện trong Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, ngày 30/9/2019, Việt Nam đã quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện Geneva 1999. Theo đó, Thỏa ước La Hay chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 30/12/2019.
Nhằm giúp các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu các thông tin cơ bản và cách thức nộp đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp, xin giới thiệu tài liệu “Hướng dẫn đăng ký quốc tế kiểu dáng theo Thỏa ước La Hay”.
Tài liệu có thể tải về tại đây.