Hợp đồng hợp tác có thể được lập để hợp tác kinh doanh, đầu tư, hợp đồng đại lý hay hợp tác làm việc, thi công tùy vào nhu cầu của các bên.
A. Hợp đồng hợp tác kinh doanh
1) Khái niệm của hợp đồng hợp tác kinh doanh?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:
“14. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
2) Đặc điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Bên cạnh hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì, các đơn vị cũng cần lưu ý tới đặc điểm của loại hợp đồng này, để phân biệt với các loại hợp đồng dân sự khác. Hợp đồng BCC cũng là một loại hợp đồng dân sự. Vì thế, hợp đồng này cũng có đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng dân sự. Cụ thể, các đặc điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh bao gồm:
– Đối tượng của hợp đồng hợp tác kinh doanh là các thỏa thuận, cam kết dành cho cả 2 bên.
– Hợp đồng phải được lập thành văn bản. Đây là căn cứ pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể. Hợp đồng phải được lập thành văn bản thì mới có hiệu lực.
– Sau khi hợp đồng có hiệu lực, các bên phải tuân thủ, thực hiện đúng các quy định được thỏa thuận trong hợp đồng BCC.
– Trong quá trình hợp tác, các bên phải góp vốn, góp tài sản để thực hiện thỏa thuận ban đầu. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên sẽ được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận ban đầu. Nếu phát sinh lỗ, số tiền lỗ sẽ do các bên gánh chịu, dựa theo phạm vi đóng góp tài sản.
– Hợp đồng BCC là một loại hợp đồng song vụ.
– Các chủ thể trong hợp đồng BCC sẽ tồn tại độc lập, không cần thành lập pháp nhân chung trong quá trình hợp tác. Điều này đồng nghĩa với việc, các bên sẽ hoạt động độc lập theo vốn đầu tư ban đầu của mình, tự chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình.
3. Nội dung hợp đồng BCC gồm những gì?
Hợp đồng BCC gồm những nội dung sau:
– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
– Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
– Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
– Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
– Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Như vậy, nội dung quan hệ đầu tư theo hợp đồng BCC là những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh. Đây chính là đặc thù của hợp đồng hợp tác kinh doanh trong sự so sánh với các hợp đồng khác trong thương mại (ở các hợp đồng này, thời điểm chuyển giao rủi ro được các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định là cơ sở xác định rõ lợi nhuận hay rủi ro thuộc về một trong các bên của hợp đồng).
Ngoài ra theo quy định tại Khoản 3, Điều 27 Luật Đầu tư 2020, các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập Ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều phối do các bên thảo thuận. Việc lập ra ban điều phối nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên tham gia hợp đồng, cũng như đại diện cho các bên giám sát quá trình thực hiện hợp đồng.
B. Hợp đồng đại lý
1) Thế nào là hợp đồng đại lý?
Để hiểu về hợp đồng đại lý, trước tiên cần hiểu rõ thế nào là đại lý thương mại. Tại Điều 166 Luật Thương mại 2005 quy định về đại lý thương mại như sau:
“Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.”
Đồng thời, Điều 168 cũng nhắc đến Hợp đồng đại lý:
“Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, có thể hiểu Hợp đồng đại lý là văn bản ghi nhận thỏa thuận về việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
2) Đặc điểm của hợp đồng đại lý
Hợp đồng đại lý thực chất là một loại hợp đồng song vụ, có đền bù, chủ thể của hợp đồng có thể là công dân hoặc các tổ chức.
– Bên nhận đại lý là bên nhận một hay nhiều giao dịch bằng chi phí và lợi ích của bên kia. Bên giao đại lý là bên công dân hoặc pháp nhân, là bên ủy quyền cho bên kia thực hiện một hay nhiều giao dịch. Pháp luật nước ta thừa nhận một số hoạt động đại lý của công dân như đại lý xổ số, đại lý sách báo, nhưng có những trường hợp đại lý do Nhà nước độc quyền như đại lý tàu biển.
– Trong hợp đồng đại lý, bên nhận đại lý tham gia vào hai quan hệ pháp luật khác nhau: Quan hệ bên trong là quan hệ giữa bên giao đại lý và bên đại lý; quan hệ bên ngoài là quan hệ giữa bên đại lý và bên thứ ba để trao đổi, giao dịch. Vì vậy mọi quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch, ký kết giữa bên đại lý và người thứ ba đều do người đại lý chịu trách nhiệm.
– Giao dịch mà người đại lý thực hiện với người thứ ba được áp dụng theo những quy định của các loại hợp đồng cụ thể như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng khoán việc…
– Hợp đồng đại lý luôn được giao kết bằng hình thức văn bản.
3) Nội dung của hợp đồng đại lý
Căn cứ vào quy mô, hình thức của từng đại lý nhất định mà hợp đồng đại lý thương mại sẽ có các điều khoản khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, các hợp đồng đại lý đều cần có các thông tin cơ bản sau đây:
– Thông tin của các bên giao kết hợp đồng;
– Loại hàng hóa, số lượng hàng hóa mà bên giao đại lý cung cấp cho bên đại lý/ Số tiền bên giao đại lý chuyển cho bên đại lý để mua hàng hóa (cụ thể loại hàng hóa, số lượng)/ Dịch vụ mà bên giao đại lý cung ứng cho bên đại lý;
– Giá cả, phương thức thanh toán: trong mục này, ngoài giá cả của hàng hóa hoặc dịch vụ, hai bên có thể thỏa thuận về mức thù lao (hoa hồng, chiết khấu…) mà bên đại lý được hưởng;
– Đặt hàng, giao hàng;
– Quyền, nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng: đây là mục quan trọng trong hợp đồng, đa số các tranh chấp phát sinh đều liên quan đến vi phạm nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ, do đó, cần quy định rõ ràng quyền-nghĩa vụ cũng mỗi bên;
– Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng;
– Các chính sách hổ trợ, bảo hành (nếu có);
– Mức bồi thường thiệt hại: trong trường hợp có hư hỏng, mất mát về hàng hóa; chậm giao hàng; vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên còn lại;
– Xử lý khi phát sinh tranh chấp;
– Các điều khoản khác do các bên thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
C. Tổng hợp các mẫu Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng đại lý
>>> Xem thêm: Tổng hợp các mẫu Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng đại lý